Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo đà phát triển cho ngành cơ khí Việt Nam
Từng bước làm chủ công nghệ sản xuất quan trọng
Ngày 20/10/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2023-2028).
Báo cáo tại Đại hội cho thấy, nhiệm kỳ IV (2018-2023) của VAMI được xem là nhiệm kỳ khó khăn nhất của ngành cơ khí Việt Nam. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài khiến doanh nghiệp ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, giảm sức tiêu thụ, tăng giá nguyên vật liệu và và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh đó, ngành cơ khí đã chứng kiến sự tăng trưởng khi từng bước làm chủ các công nghệ sản xuất quan trọng và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh chiếm gần 32% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, tạo việc làm cho gần 17% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo.
Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành về ngành cơ khí chế tạo. Ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp lớn có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực. Một số phân ngành cơ khí đã chế tạo được các sản phẩm chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Để ngành cơ khí có được những thành tựu nêu trên, vai trò của VAMI là vô cùng quan trọng. Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội luôn đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp trong ngành cơ khí cũng như giữa các doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, bảo vệ hiệu quả quyền lợi của các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời phát huy vai trò chủ chốt trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp cơ khí trong nước để thúc đẩy ngành phát triển.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời, được Đảng và Nhà nước xác định là ngành công nghiệp mang tính nền tảng, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận những đóng góp hết sức to lớn của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đối với sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Sản phẩm cơ khí Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu trong nước có năng lực cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ và vừa, năng lực thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Các phân ngành cơ khí quan trọng đạt kết quả còn thấp so với kỳ vọng. Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác, còn lạc hậu so với nhiều nước. Năng lực nghiên cứu, thiết kế của các doanh nghiệp cơ khí trong nước còn hạn chế. Trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành còn chậm đổi mới.
Cần cơ chế chính sách để ngành cơ khí có thị trường phát triển
Bước sang nhiệm kỳ tới, bên cạnh nhiều thuận lợi, ngành cơ khí cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển ngành cơ khí không còn nhiều do phải tuân thủ nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các Tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh và các sản phẩm cơ khí nhập khẩu. Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp cơ khí trước áp lực về nguồn lực đầu tư để đổi mới sáng tạo, đột phá về công nghệ và sản xuất.
Trong nhiệm kỳ tới, VAMI định hướng sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương để đề xuất điều chỉnh chiến lược phát triển cơ khí phù hợp giai đoạn mới; xây dựng các sản phẩm cơ khí chủ lực; đề xuất các cơ chế, chính sách để ngành cơ khí có thể cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, quản lý dự án cũng như cung cấp máy móc thiết bị cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Tiếp tục tăng cường sự kết nối của các doanh nghiệp trong hiệp hội để phản ánh về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.
VAMI cũng sẽ tập trung đề xuất với Chính phủ có cơ chế, chính sách nội địa hóa các sản phẩm mà đất nước có nhu cầu thị trường lớn trong giai đoạn tới như điện gió, điện khí, giao thông đường sắt, nhà ga hàng không, cảng biến, máy nông nghiệp,… Đề xuất lộ trình nội địa hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, trên cơ sở đó giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, làm chủ thị trường nội địa, tạo đà cho xuất khẩu.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Phó Chủ tịch VAMI, ngành cơ khí muốn phát triển thì phải có thị trường, vì có thị trường thì mới có việc làm, có việc làm mới có thể sáng tạo. Và để có thị trường cho ngành cơ khí, ông Lê Văn Tuấn đề nghị, Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước. Đối với các thiết bị trong nước sản xuất được thì không cho nhập khẩu. Có như vậy, ngành cơ khí trong nước mới có được thị trường để phát triển được.
Ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) kiến nghị cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp, chấp thuận cho doanh nghiệp được kê khai mặt máy kéo nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đó cũng là cách bảo hộ cho ngành sản xuất cơ khí nông nghiệp trong nước phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành, Bộ Công Thương đề nghị VAMI tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Bộ Công Thương nói riêng, các Bộ, ngành cơ quan liên quan và chính phủ nói chung trong công tác Xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, chính sách quan trọng để phát triển ngành, trong đó có việc sửa đổi bổ sung Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về thuế, đất đai, tín dụng. Đặc biệt là nghiên cứu để xây dựng một đạo Luật về phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, nền tảng trong đó có ngành cơ khí để tạo cơ sở pháp lý bền vững, thống nhất cho việc phát triển ngành cơ khí.
Ngoài ra, VAMI cần phối hợp xây dựng cơ chế phát triển, kết nối, thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí; đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp trong ngành, giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp gắn với nhu cầu thực tiễn.
Theo: Tạp chí công thương
Bài viết liên quan
Gia công cơ khí chính xác là gì? Tìm hiểu về ngành nghề
Gia công chính xác CNC là một phương pháp quan trọng trong ngành cơ khí và ngày càng được ưa chuộng bởi các doanh nghiệp ở Việt Nam. Gia công CNC là hình thức gia công công nghệ cao, có nhiều ưu điểm...
xem chi tiếtÁp thuế GTGT 10% với các mặt hàng được xác định là thiết bị điện tử chuyên dùng
Tổng cục Hải quan nhận được đề nghị của một số DN hướng dẫn quy định liên quan đến việc giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ đối với mặt hàng máy trung...
xem chi tiếtKhông được giảm thuế giá trị gia tăng - Vấn đề nan giải của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đối mặt “án” phạt, truy thu thuế vì mặt hàng máy công cụ điều khiển số (CNC) không được giảm thuế giá trị gia tăng, trong khi hầu hết đã kê khai mức...
xem chi tiết